Bông Mai Đỏ trong vườn nhà Ngọn Gió Đêm xuân Tân Mão 2011

Bông Mai Đỏ trong vườn nhà Ngọn Gió Đêm xuân Tân Mão 2011
(Blog này lưu lại một số bài thơ của Tôi đã đăng tại 1 vài diễn đàn từng thường cùng bạn hữu lui tới với các nick name: HanoiDAC, Ngongiodem, XOman, NewTime)

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2008

KIẾN THỨC: ĐẠO & ĐỜI

Khái niệm về "TRI TÚC" trong Cao Đài Tự Điển
Tri: Biết, hiểu biết, quen biết.
Túc: đủ.

Tri túc là biết đủ, biết mình có được như thế là đủ rồi, không muốn đòi hỏi thêm.

Người tri túc là người biết an phận nên được hạnh phúc.

Người không tri túc thì luôn luôn chạy theo dục vọng, tìm đủ cách để làm thỏa mãn dục vọng, mà dục vọng thì không bờ bến, nên người không tri túc thì cảm thấy lúc nào mình cũng thiếu thốn, nên luôn luôn lo âu phiền não.

Dầu giàu sang bốn biển như Vương Khải, Thạch Sùng, hay như các vua chúa thời xưa, mà không tri túc thì vẫn cho rằng có được bao nhiêu đó chưa đủ, cần phải tìm cách chiếm đoạt thêm, đến mãn đời vẫn lo âu sầu khổ và thường phải chết trong việc làm tôi tớ cho các dục vọng của mình.

Còn như Sào Phủ và Hứa Do, nhà không lành, quần áo không đủ hai bộ, sống thanh bần nơi sằn dã mà tri túc thì thảnh thơi vui thú, an nhàn tự tại.

Sự tri túc là biết ngăn chận lòng tham lam không đáy của con người, để con người tìm thấy được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống.

Trong sách Minh Tâm Bửu Giám, phần an phận, sách Cảnh Hành lục viết rằng:

Tri túc thường lạc, đa tham tất ưu,
Tri túc giả, bần tiện diệc lạc,
Bất tri túc giả, phú quí diệc ưu.
Tri túc thường túc, chung thân bất nhục,
Tri chỉ thường chỉ, chung thân bất sỉ.
Tỉ thượng bất túc, tỉ hạ hữu dư,
Nhược thử hướng hạ, tâm vô hữu bất túc giả.
Nghĩa là:
Biết đủ thường vui, tham nhiều tất lo âu,
Người biết đủ, nghèo hèn cũng vui,
Người không biết đủ, giàu sang cũng lo âu.
Biết đủ thì thường đủ hoài, cả đời không nhục,
Biết dừng lại thường dừng lại, cả đời không thẹn.
Sánh với trên thấy không đủ, sánh với dưới thấy có dư,
Ví bằng nhìn xuống như thế, lòng chẳng có lấy làm không đủ.

Trong sách Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử có viết rằng:

Danh dữ thân thục thân?
Thân dữ hóa thục đa?
Đắc dữ vong thục bệnh?
Thị cố, thậm ái tất thậm phí,
Đa tàng tất hậu vong.
Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi,
Khả dĩ trường cửu.
Nghĩa là:
Tên tuổi và thân sống, cái nào quí?
Thân sống và của cải, cái nào cần?
Được và mất, cái nào hơn?
Cho nên, yêu lắm thì hao tổn nhiều,
Cất chứa nhiều thì mất nhiều.
Biết đủ không nhục, biết dừng không nguy,
Có thể lâu dài.

Họa mạc đại ư bất tri túc,
Cữu mạc đại ư dục đắc.
Cố tri túc chi túc,
Thường túc hỹ.
Nghĩa là:
Tai họa, không cái nào lớn bằng không biết đủ,
Lỗi lầm, không cái nào lớn bằng lòng muốn được.
Cho nên, biết đủ thì đủ,
Luôn luôn đủ vậy.

“Tri túc tức là Tự tri mãn túc, tự biết mình có đầy đủ, không mong cầu thái quá.
Thiểu dục, Tri túc là hai đức tánh mật thiết với nhau. Thiểu dục: ít ham muốn; Tri túc: có bao nhiêu cũng coi là đủ, dẫu được ít lòng cũng chẳng hối hận.

Niết Bàn Kinh: Tri túc là tự biết hạnh đức mình, sở đắc của mình. Trái với Bất Tri túc là chẳng biết liệu lượng sức mình. Người Tri túc chẳng dám nhận những sự khen tặng, cúng dường, cung kính thái quá của người đời, một niềm phụng sự nết tri túc của mình. Kẻ Bất Tri túc, hạnh tu thì ít mà ngỡ rằng mình có phước đức lớn, đạo quả cao, muốn cho người đời tôn trọng mình. Bực Tỳ kheo bất tri túc như vậy phạm tội nặng là tội ba-la-di (tội nặng nghiêm trọng trong giới luật).

Phật giáo Di kinh: Nếu muốn thoát khỏi mọi sự khổ não nên quán tưởng lẽ Tri túc. Cái phép Tri túc là thấy mình giàu có, vui vẻ, an ổn. Người Tri túc dầu nằm trên đất cũng vẫn an vui. Kẻ Bất Tri túc dầu ở cảnh Thiên đường cũng chẳng vừa ý. Kẻ Bất Tri túc tuy giàu mà nghèo; người Tri túc tuy nghèo mà giàu. Kẻ Bất Tri túc thường bị năm mối tham dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc lôi kéo. Người Tri túc trông thấy mà thương xót giùm.” (Trích trong Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn)